Trẻ em biết về tình dục từ đâu?

Nghiên cứu về vấn đề du lịch tình dục đối với trẻ em tại bốn nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia của tổ chức Australian Aid và World Vision (2014) đã chỉ ra ít nhất 5 con đường chính cung cấp thông tin cho các em về vấn đề này, bao gồm: – Mạng xã hội và internet, – Bạn bè và người yêu của các em, – Giáo dục tại trường học, – Thông tin công khai từ những chiến dịch cộng đồng có liên quan, – Quan sát và kinh nghiệm cá nhân. Từ trường học: Chưa sẵn sàng? Những kiến thức về giáo dục giới tính mà các em được dạy tại trường học bao gồm giải phẫu học, sức khỏe sinh sản, cách phòng tránh thai và những căn bệnh có thể lây nhiễm khi quan hệ tình dục (STIs). Mức độ chi tiết của các kiến thức này phụ thuộc vào cách thức giảng dạy của những trường khác nhau. Tuy nhiên, những kiến thức về cách nhận diện và ngăn chặn những hành vi xâm hại tình dục rất hiếm khi được dạy tại trường học (trừ trường hợp của một trường học tại thành phố Pattaya, Thái Lan có dạy học sinh về những biện pháp phòng vệ như việc phải tự kiểm soát vùng kín của mình cũng như cách nhận biết những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra).

Dù hiểu tầm quan trọng của giáo dục giới tính, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng để nói với học sinh của mình về vấn đề “nhạy cảm” này.
Những thông tin hay lời khuyên về vấn đề này dành cho học sinh đôi khi lại thiên về việc bảo vệ danh tiếng cho ngôi trường các em đang theo học chứ không nhằm tới mục đích bảo vệ sự an toàn cho trẻ. Nghiên cứu trích lời nói của một vị hiệu trưởng tại Siêm Riệp – Campuchia như sau: “Chúng tôi muốn tất cả các em đều trở thành những học sinh gương mẫu bởi nếu có bất kì một ai trong số đó có dấu hiệu hư hỏng thì danh tiếng của nhà trường sẽ bị bôi nhọ”. Tại Việt Nam, các giáo viên đều nhận ra tầm quan trọng trong việc phải giáo dục giới tính cho trẻ ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên họ lại không sẵn sàng tinh thần để truyền tải những kiến thức về vấn đề nhạy cảm này cho các em khi ở trên lớp. Họ cho rằng việc làm đó phải nhờ đến các nhà tâm lí học định hướng và giáo dục. Xét một cách tổng thế, tính cấp thiết của việc giáo dục giới tính cho trẻ tại trường học bao gồm những kiến thức về mối quan hệ và sự xâm hại cơ bản đã được các nhà trường nắm bắt và quan tâm. Phụ huynh: Cảnh báo nhiều hơn kiến thức Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những kiến thức và thông tin liên quan đến xâm hại tình dục mà trẻ học được thông qua cha mẹ không nhiều, nhưng họ lại luôn là những người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến cuộc sống của các em. Các bậc phụ huynh thường không biết rằng bằng cách nào mà con cái của họ có thể tiếp xúc với những thông tin liên quan đến tình dục. Một điều đáng nói nữa là nhiều bậc cha mẹ lại phản đối việc giáo dục giới tính cho con em mình. Họ sợ điều này sẽ vô tình kích thích trí tò mò của trẻ để rồi dẫn đến những hành vi, thái độ ứng xử lệch lạc, thậm chí còn có thể là những hành vi thử nghiệm tình dục không biết chừng.

Trẻ cần kiến thức để tự bảo vệ mình, hơn là những lời cảnh báo từ phụ huynh.
Tuy nhiên, một bà mẹ tại Luông Pha-băng, Lào lại đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược: “Các bậc phụ huynh thường không đề cập đến những chuyện liên quan đến tình dục với con cái của họ. Nhưng tôi thì khác, tôi cố gắng nói chuyện với con bởi tôi muốn các con của mình phải hiểu rõ vấn đề này. Hơn nữa đó cũng là cách giúp tôi ngăn chặn các cháu tìm kiếm thông tin liên quan đến vấn đề này ở những nguồn mà tôi không kiểm soát được”. Trong các bài học về an toàn giới tính mà trẻ em được học từ cha mẹ, đa phần vẫn chỉ là những lời cảnh báo hoặc khuyên răn chứ không phải những kiến thức và kĩ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình khỏi những hành vi xâm hại. Ví dụ, cha mẹ thường cảnh báo, đặc biệt với các em nữ, rằng không được để cho người khác chạm vào hoặc nhìn thấy cơ thể của con khi con không mặc quần áo, nhưng họ không hề chỉ rõ cho các em những dấu hiệu đáng nghi của một tên thủ phạm hoặc bất kì một chi tiết nào để nhận biết mối nguy hiểm đó. Một giáo viên tại thủ đô Viên Chăn của Lào đã chia sẻ: “Các vị phụ huynh rất hiếm khi ngồi xuống và cùng thảo luận với con cái mình về những chủ đề liên quan đến tình dục. Rất nhiều người trong số họ không biết nên nói với con như thế nào về vấn đề nhạy cảm này”. Chia sẻ cùng ai? Nghiên cứu “Sex, Abuse and Childhood” cũng chỉ ra rằng trẻ em thường giãi bày những mối quan tâm hoặc vấn đề mà các em gặp phải với bạn bè hoặc các bạn cùng lớp hơn là với bố mẹ, các thầy cô giáo hoặc người lớn. Một em học sinh nữ tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia thổ lộ rằng: “Em thường tìm đến các bạn để chia sẻ những nỗi buồn của mình”. Không chỉ có vậy, một học sinh nữ 17 tuổi tại Việt Nam còn cho hay: “Em sẽ không bao giờ nói với bố mẹ là em có bạn trai đâu. Em mà nói chắc bố mẹ em thất vọng và buồn lắm”.

Trẻ em cần được khuyến khích chia sẻ vấn đề của mình với những người lớn mà em tin cậy
Rất nhiều lí do khác nhau được các em đưa ra để giải thích cho việc mình sẽ không chia sẻ những vấn đề cá nhân cho cha mẹ bao gồm: “Em không muốn làm bố mẹ phải buồn”, “Em sợ rằng bố mẹ sẽ mắng và đánh em mất”, “Em không muốn họ phải đau lòng hoặc tổn thương”. Thường thì trẻ vị thành niên thích chia sẻ và mở lòng với người yêu hơn là với cha mẹ về những vấn đề mà các em gặp phải. Các em không hề nhận ra rằng chia sẻ với bạn bè chỉ là hành động giúp các em tạm thời tránh khỏi sức ép từ phía gia đình chứ nó không đủ sức mạnh và tiếng nói để thể giải thoát các em khỏi những mối nguy hiểm. Điều này đã được ghi nhận tại trường hợp của em học sinh nữ 17 tuổi ở Việt Nam sau khi được bố mẹ chuyển đến một ngôi trường mới – nơi mà bố mẹ em cho rằng có môi trường học tập tốt hơn.
Tại ngôi trường mới này, cô bé đã bị bắt nạt và không thể làm bạn với bất kì một ai. Không chỉ có vậy, áp lực học tập đè nặng khiến cố bé phải học lại lớp 10, điều này làm bố mẹ em rất buồn và thất vọng. Bất chấp tất cả mọi sức ép từ phía gia đình, cô bé đã bước vào mối quan hệ với một người đàn ông hơn mình 7 tuổi dù biết hắn đã có bạn gái còn em chỉ là nơi để hắn thỏa mãn những cơn ham muốn về thể xác. Từng bước, từng bước một, đời sống tình cảm của cô bé bị lệ thuộc vào hắn để rồi đến một ngày, em mắc chứng trầm cảm. Đáng buồn thay, bố mẹ của em không hay biết về những chuyện đã xảy ra. (còn tiếp)

Comments

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *