Prevention of child sexual abuse in tourism activities

Với nhiều tiềm năng sẵn có và sự đầu tư có chiều sâu, những năm gần đây, ngành du lịch Nghệ An đang trên đà phát triển mạnh. Ngành công nghiệp không khói này đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn về mặt KT-XH, tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến ANTT và các vấn đề xã hội, trong đó có tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong các hoạt động du lịch.

Một hoạt động truyền thông của Dự án “Lớn lên an toàn”
Một hoạt động truyền thông của Dự án “Lớn lên an toàn”

Nguy cơ cao

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận nhiều trường hợp phạm tội xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em qua con đường du lịch. Tuy nhiên, hoạt động của loại tội phạm mới này lại tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, với một số biểu hiện đáng chú ý như: Khách du lịch tự tìm kiếm hoặc thông qua môi giới để thực hiện hành vi mua dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em.

Ngoài ra, các đường dây sextour, đường dây mua bán trẻ em cung cấp các dịch vụ tình dục cho khách du lịch trong và ngoài nước, nhiều nhất là khách du lịch dùng tiền để quay phim, chụp ảnh khỏa thân, khiêu dâm trẻ em nhằm tàng trữ, phát tán văn hóa phẩm khiêu dâm cũng là những loại hình mới manh nha trong thời gian gần đây.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Dự án Tuổi thơ (một chương trình phòng ngừa xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch) cho biết, không loại trừ trai hay gái, nạn nhân của các hình thức xâm hại và bóc lột tại các khu du lịch xảy ra nhiều ở độ tuổi từ 0 – 18.

Tại Nghệ An, tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng qua từng năm. Trên thực tế, chưa có thống kê và ghi nhận nào về việc có mối liên quan giữa sự tăng nhanh lượng khách quốc tế đến tỉnh ta để tham quan du lịch với báo động “đỏ” về tội phạm XHTD trẻ em, trong đó có đối tượng người nước ngoài. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề trên, việc phát triển du lịch ở tỉnh ta, cụ thể là đội ngũ nhân lực, lao động hoạt động trong ngành này hiện nay vẫn còn bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị XHTD bởi khách du lịch.

Đơn cử như hiện nay, có khá nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải đi bán hàng rong hoặc làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…) để trang trải cuộc sống. Thực tế này có thể dễ dàng bắt gặp tại các điểm du lịch biển nổi tiếng như Cửa Lò… Đây là những đối tượng “nhạy cảm”, cần được bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại.

Bởi, không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, các em còn thiếu thốn kiến thức về sức khỏe sinh sản và các kỹ năng sống để bảo vệ mình trước các nguy cơ bị XHTD. Trong khi các quy định của pháp luật liên quan đến loại tội phạm du lịch tình dục trẻ em còn nhiều kẽ hở thì những hạn chế, thiếu sót trong việc trang bị các kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ vô hình trung trở thành nhân tố tiếp tay cho hành vi phạm tội mới này.

Chung tay phòng ngừa

9 tháng đầu năm, khách lưu trú tại Nghệ An ước đạt 2.723.000 lượt, bằng 86% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó khách quốc tế ước đạt 52.000 lượt, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2015. Trên thực tế, ở tỉnh ta, du lịch tình dục trẻ em là một khái niệm còn khá mới mẻ nhưng cần có biện pháp, hình thức phòng ngừa, đối phó, đặc biệt là trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến tham quan du lịch đang không ngừng tăng nhanh và những kẻ XHTD trẻ em chọn làm điểm đến thay thế cho Thái Lan – một nước “đi đầu” về nạn du lịch tình dục trẻ em nhưng đang nỗ lực quản lý chặt chẽ hơn trong những năm gần đây.

Liên quan đến công tác phòng ngừa hình thức xâm hại mới này, ngày 15/7 vừa qua, Dự án “Lớn lên an toàn” do doanh nghiệp xã hội Wellbeing thực hiện đã được ra mắt, nhằm truyền thông phòng, chống XHTD trẻ em tại các điểm du lịch trên cả nước. Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của trào lưu du lịch tình dục đối với trẻ em, Dự án tập trung vào 2 hoạt động chính là: Trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản và các kỹ năng sống cho các em; tổ chức các chiến dịch truyền thông xã hội nhằm nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi XHTD trẻ em.

Bên cạnh sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, ngành du lịch cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân phục vụ khách du lịch để họ có khả năng nhận diện, phát hiện tội phạm XHTD trẻ em qua con đường du lịch, từ đó kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội và báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Đây cũng là một trong những nội dung chính trong công tác triển khai Chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội mà ngành du lịch đang nỗ lực thực hiện.

XHTD trẻ em trong hoạt động du lịch không chỉ gây hậu quả nặng nề đối với nạn nhân mà còn tạo ra nhiều hệ lụy về mặt KT-XH. Vì vậy, “cuộc chiến” phòng ngừa loại tội phạm mới này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan mà còn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người dân hãy cùng nhau tạo dựng môi trường du lịch an toàn cho trẻ em bằng cách nếu phát hiện hành vi xâm hại trẻ em hoặc thấy trẻ nào có nguy cơ bị XHTD, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương, lực lượng Công an hoặc gọi tới số điện thoại 18001567 (miễn phí, hoạt động 24/24 giờ).

.

Hồng Hạnh

Comments

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *