Ra mắt cuốn sách “Sơ cấp cứu thường thức” do Wellbeing biên dịch
Nhân ngày Sơ cấp cứu thế giới 14/09/2019, Wellbeing kết hợp cùng Alphabook ra mắt cuốn sách “Sơ cấp cứu thường thức-First Aid Manual” -một trong những cuốn sách phổ biến nhất với các nhà cung cấp dịch vụ sơ cấp cứu hàng đầu Anh quốc.
Hướng tới một cộng đồng hiểu biết và nâng cao kiến thức Sơ cấp cứu thường thức. Wellbeing và Alphabook đã dịch cuốn sách này với mong muốn trang bị những kiến thức và kỹ năng Sơ cấp cứu cho người Việt.
Lễ ra mắt sách SƠ CẤP CỨU THƯỜNG THỨC diễn ra trong một không gian ấm cúng và sôi nổi hào hứng với phần workshop thực hành kỹ năng Hồi sức tim phổi. Hai diễn giả ThS BS Vũ Việt Hà-Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Hotmom xinh đẹp Minh Trang đã nhận được rất nhiều câu hỏi, sự quan tâm về Sơ cấp cứu, cách xử trí ứng phó khi người thân gặp nạn.
Hào hứng nhất là phần tập huấn kỹ thuật Hồi sức tim phổi ngay tại sự kiện với sự tham gia của hơn 100 khán giả có mặt ngày hôm đó, từ các bạn nhỏ cho tới các phụ huynh.
Cuốn sách Sơ cấp cứu thường thức sẽ sớm có mặt trên thị trường và chúng tôi sẽ cập nhật ngay cho quý độc giả khi mở bán online trên trang mua sắm điện tử. Kính mời quý độc giả tiếp tục đồng hành cùng Wellbeing và Alpha Book trong những cuốn sách về kỹ năng an toàn tiếp theo.
Một lần nữa Wellbeing xin cảm ơn sự quan tâm tin tưởng và chân thành của quý độc giả với Sơ cấp cứu đã tham dự đến cuối chương trình. Hẹn gặp lại anh chị trong những sự kiện tiếp theo của Wellbeing và Alpha Book.
? Wellbeing là thành viên chính thức của Hội đồng An toàn Anh quốc (British Safety Council)
? Mô hình đào tạo đạt chuẩn Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)
? Website: http:www.wellbeing.com.vn
? Hotline: 0886.119.911 / 0867.886.911
Lớp học sơ cứu người bị đột quỵ tại Đại học FPT
“Lúc mẹ tôi lên cơn đột quỵ, tôi đã không biết xử trí thế nào. May mắn rằng xe cứu thương đến kịp thời. Tôi nhận ra rằng học các bài học về sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết để xử lý các tình huống nguy kịch, thế nên khi có thông báo rằng Wellbeing sẽ tổ chức lớp học về xử lý khi người thân bị đột quỵ, tôi đã đăng ký tham gia học ngay!” – Chị Thục An, công tác tại trường Đại học FPT chia sẻ.
Lớp học về Sơ cấp cứu ban đầu đã được tổ chức tại Đại học FPT – dành cho các giảng viên và cán bộ nhân viên trong trường. Qua buổi học, các học viên đã biết cách sơ cứu khi người thân bị đột quỵ và xử lý khi trẻ bị ốm. Các bác sỹ đến từ Wellbeing đã cung cấp thông tin sức khỏe chính xác và cập nhật nhất. Phần thú vị nhất của buổi học chắc chắn là phần thực hành các kỹ năng sơ cứu như đưa người về tư thế an toàn, tập đo huyết áp,…
Anh Duy Khang – giảng viên Vovinam tại Đại học FPT cho biết : “Sau khi tham gia buổi học, anh đã biết thêm được nhiều kỹ năng để ứng phó khi người thân trong gia đình gặp nạn, và thâm chí là hỗ trợ cho các bạn học sinh trong lớp học của anh.”
Anh Trung – giảng viên tại trường THPT FPT bày tỏ mong muốn các lớp học về sức khỏe của Wellbeing được tổ chức thường xuyên hơn để trang bị những kiến thức và kỹ năng chính xác nhất, giúp anh bình tĩnh hơn khi gặp trường hợp cấp cứu.
Dạy con lớn lên an toàn
Dạy trẻ những kiến thức về giới tính và chống xâm hại từ sớm để tăng cao hiệu quả phòng ngừa
Lâu nay ở Việt Nam, vấn đề giới tính, tình dục vẫn luôn là chủ đề nhạy cảm, thậm chí là cấm kỵ trong gia đình và nhà trường. Nói chuyện với trẻ về những chủ đề này được xem là “vẽ đường cho hươu chạy”. Do đó, dự án hướng tới mục tiêu thay đổi hoàn toàn quan niệm sai lầm này.
Vẽ đường cho hươu chạy đúng
Suốt 8 năm làm việc trong các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ trẻ em, anh Nguyễn Văn Công- người sáng lập dự án trăn trở: “Việc phòng chống xâm hại trẻ em phải được tổ chức thành hoạt động chuyên nghiệp, huy động từ rất nhiều nguồn lực cộng đồng thì mới có giá trị, còn một cá nhân thì rất khó”.
Tháng 6-2016, anh cùng nhiều bạn bè chung tay xây dựng Dự án phi lợi nhuận “Lớn lên an toàn”. Dự án ngay lập tức bắt tay vào việc tổ chức các lớp học với nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng tránh xâm hại tình dục… được thiết kế theo phương pháp có sự tham gia của trẻ em và các buổi trò chuyện chia sẻ với các bậc phụ huynh.
Trong ấn tượng của anh Công về chuyến công tác giảng dạy đầu tiên, các em học sinh ở trường dân tộc nội trú thật hồn nhiên, vô tư. Trường dân tộc nội trú Na Hang có nhiều em đến từ 5- 7 các dân tộc khác nhau học chung một lớp.
“Lớn lên an toàn” vừa hoàn thiện một game giáo dục giúp trẻ em biết được các vùng cấm trên cơ thể và 3 phản ứng then chốt nếu trong tình huống bị xâm hại: hét to – bỏ chạy – kể lại.
Sự đa dạng văn hóa này vừa là niềm hứng thú, vừa là một cái khó cho các tình nguyện viên. Một số em không nói sõi tiếng Kinh nên các thông điệp, kiến thức “Lớn lên an toàn” không nặng về ngôn ngữ, chủ yếu được trẻ tiếp thu và ghi nhớ thông qua các hoạt động trò chơi như nặn tượng, vẽ tranh, gắn thẻ màu…
Các nghiên cứu chỉ ra, trẻ em có rất nhiều vấn đề về cơ quan sinh dục mà các em không hay biết. Ví dụ ở nam giới: tinh hoàn ẩn, bao quy đầu không mở mà hẹp rất ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản… “Lớn lên an toàn” mượn biểu tượng của đèn giao thông: đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng để dạy các bé vùng cấm trên cơ thể.
Cần làm gì để trẻ lớn lên an toàn?
Th.s Nguyễn Quốc Long, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em đã thực hiện trên 1.000 ca tham vấn về vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục cho biết: “Trước đây, khi chúng tôi nói về vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ở các địa phương, họ không muốn công bố tình trạng trẻ em bị xâm hại với các cơ quan báo chí, với các tổ chức phi chính phủ. Vì họ sợ tỉnh, huyện của họ mất thành tích thi đua, không muốn mất hình ảnh về điểm du lịch”.
Đặc biệt đối với trẻ em tại các điểm du lịch, các vùng dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi hiện còn đối mặt với nguy cơ cao từ trào lưu du lịch tình dục. Một số khách nước ngoài và Việt Nam khi di chuyển từ điểm này sang điểm kia đã có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở các hình thức khác.
“Lớn lên an toàn” hiện đang được triển khai ở 5 tỉnh: Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Hải Phòng nên nguồn kinh phí này và nhân lực hiện tại vẫn còn hạn hẹp bởi khối lượng công việc quá lớn. “100% những người của dự án làm bán thời gian không vụ lợi, toàn “chạy” bằng cơm nhà” – anh Công chia sẻ.
Trang bị kiến thức toàn diện cho trẻ em là cách bảo vệ trẻ hiệu quả hơn mọi lời cảnh báo. Nhưng tự nhiên nói với con thế nào là tình dục, thế nào là xâm hại rất khó. Anh Công muốn ứng dụng công nghệ – sản phẩm không có biên giới – dạy các em tốt hơn: “Bố hoặc mẹ cùng con chơi một trò chơi, con sẽ hỏi tại sao như thế, thì sẽ có cầu nối để nói dễ dàng”. “Lớn lên an toàn” vừa hoàn thiện một game giáo dục giúp trẻ em biết được các vùng cấm trên cơ thể và 3 phản ứng then chốt nếu trong tình huống bị xâm hại: hét to – bỏ chạy – kể lại.
Theo chị Lưu Ngọc Thúy: “Đối với bậc phụ huynh, vấn đề xâm hại tình dục nếu mất bò mới lo làm chuồng thì quá muộn, điều quan trọng là phải phòng tránh để việc đó không xảy ra. Chúng ta cần có một môi trường an toàn cho con, chính mỗi chúng ta là một viên gạch tạo ra môi trường ấy”.
Cha mẹ hãy dành thời gian giao tiếp, trò chuyện với con ngay từ khi còn bé về cách bảo vệ an toàn cho bản thân, xây dựng sức mạnh tự cường trong con; cách tránh xa những thủ đoạn của kẻ xâm hại. Khi xã hội có đầy đủ nhận thức về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, các đối tượng sẽ không còn cơ hội để thực hiện ý đồ xấu.
Cùng em lớn lên an toàn
TTO – “Lớn lên an toàn” là sáng kiến của nhóm bạn trẻ khóa học Mùa thu về phát triển – một khóa học do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường thực hiện.
Giờ thuyết trình gọi tên các bộ phận trên cơ thể của các học sinh lớp 5 Trường liên cấp Lê Quý Đôn (Đồng Nai) – Ảnh: UYÊN TRINH |
Cả đoàn rời Đồng Nai khi trời mưa lắc rắc, trong những cái vẫy tay tạm biệt của các em học sinh Trường liên cấp Lê Quý Đôn.
Vậy là hành trình mang kiến thức về giáo dục giới tính, phòng tránh xâm hại tình dục với học sinh huyện Tân Phú của dự án “Lớn lên an toàn” đã kết thúc.
“Lớn lên an toàn” là sáng kiến của nhóm bạn trẻ khóa học Mùa thu về phát triển – một khóa học do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường thực hiện.
Thành lập tháng 6-2016 tại miền Bắc và chỉ mới nhân rộng để phát triển mô hình trong Nam, nhưng đến nay các bạn trẻ đã tập huấn và tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục cho hơn 1.000 học sinh ở các trường học trên cả nước.
Lớp học ngập tràn những tiếng cười khi các em vẽ cơ thể mình trên giấy và gọi đúng tên các bộ phận. Những nụ cười e thẹn, những ánh mắt ngượng ngùng, cái cười ồ của cả lớp khi gọi tên bộ phận sinh dục.
Trung – một tình nguyện viên – nhẹ nhàng nói: “Nó cũng như các bộ phận khác trên cơ thể nhưng tại sao chúng ta lại ngại, không dám nhắc tới?”.
Đến phần xác định đâu là vùng an toàn, vùng nhạy cảm và vùng riêng tư, các học sinh lớp 6 tranh cãi gay gắt khi xác định miệng là vùng nhạy cảm hay vùng riêng tư.
Còn các bé tiểu học lại cười giòn, xòe tay bịt mắt khi các tình nguyện viên đứng lớp hướng dẫn “những vùng riêng tư” trên thân thể.
Yến dõng dạc nói: “Bản thân con, ba mẹ và bác sĩ điều trị khi có sự cho phép của con mới được đụng vào vùng riêng tư của con. Ngoài ra, ai có hành động: nhìn, nói, đụng chạm vào vùng riêng tư của con thì gọi là xâm hại”.
Không khí lớp học càng nóng hơn khi nhóm bạn học sinh lớp 6 lại tranh cãi quyết liệt về việc có cho bạn đụng vào vùng nhạy cảm và riêng tư hay không.
Trung “hạ nhiệt” không khí lớp học bằng cách tóm gọn: “Quan điểm mỗi bạn là khác nhau nên ai được đụng vào cơ thể các con là do chính bản thân con quyết định”.
“Cơ thể con thuộc về con là của chính con. Không ai có thể đụng vào vùng riêng tư khi không có sự cho phép của con. Ai đó làm đau, làm tổn thương mình thì họ là người có lỗi. Còn chúng ta chẳng có lỗi gì cả, các con có nhớ không nào?” – Tuyền nhấn mạnh.
Đề cập trực diện, mạnh dạn trao đổi thẳng thắn để các em có sự nhận thức, quan tâm vấn đề xâm hại tình dục một cách nghiêm túc, không đùa cợt mỗi khi nhắc đến là mục đích của “Lớn lên an toàn”.
“Vẽ đường cho hươu chạy đúng” – thông điệp xuyên suốt chương trình được các bạn ưu tiên chú trọng, để làm sao hướng dẫn trẻ biết cách bảo vệ mình.
Lớp học ấm áp hơn khi mọi người cùng nhau ngồi vòng tròn chia sẻ và giải quyết những tình huống giả định giúp trẻ nhận thức, quan sát cảm giác thật của bản thân, lựa chọn cách giải quyết phù hợp.
Là một trong những người đề xuất sáng kiến của dự án “Lớn lên an toàn” và hiện là quản lý chương trình tại miền Nam, Xuân Hường chia sẻ:
“Một số trẻ không phải không biết, nhất là các học sinh trung học, nên nhóm không truyền đạt điều gì ghê gớm, không lấy kiến thức đặt quá nặng mà chủ yếu tạo sự tin tưởng, cởi mở để trẻ dám nói, dám đề cập trực diện vấn đề mà lâu nay vẫn cho rằng nhạy cảm, khó nói.
Có người giúp các em hiểu xâm hại là gì, có người lắng nghe những băn khoăn về giới tính ở lứa tuổi dậy thì là nhóm đã thành công lắm rồi”.
Thầy Trương Văn Minh (phó hiệu trưởng Trường THCS Núi Tượng) thông tin thêm: “Trường hay trao đổi ở những buổi chào cờ về vấn đề xâm hại tình dục nhưng chuyên sâu cho từng lớp thì không có.
Là một trường ở xa, cũng thường xuyên có những lớp dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng đây là lần đầu trường đem vấn đề lâu nay vẫn cho rằng nhạy cảm và khó nói vào trao đổi trực diện, thẳng thắn với học sinh”.
Trẻ em biết về tình dục từ đâu?
Dạy học sinh biết cách phòng chống ‘xâm hại tình dục’
‘Việc gọi chính xác tên các bộ phận là vô cùng cần thiết. Những tên gọi đáng yêu để đỡ ngại sẽ không giúp các em hình dung được tính chất nghiêm trọng của xâm hại tình dục’, thành viên dự án Lớn Lên An Toàn chia sẻ.
Hải Đăng
Trích nguồn : http://thanhnien.vn/giao-duc/day-hoc-sinh-biet-cach-phong-chong-xam-hai-tinh-duc-724466.html